Chính phủ sắp lập quỹ đầu tư rất lớn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Quỹ này được gọi là Quỹ đầu tư rủi ro về phát triển công nghệ, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh mới, ý tưởng công nghệ mới.

Thông tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiết lộ.

Theo đó, sắp tới Chính phủ sẽ có một nghị định mới về phát triển công nghệ và công nghiệp phụ trợ, trong đó, gồm việc lập một quỹ đầu tư rất lớn, gọi là Quỹ đầu tư rủi ro về phát triển công nghệ, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh mới, ý tưởng công nghệ mới.

Nói về nền công nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Tôi là người đầu tiên đưa ý kiến này ra trong phiên họp của Chính phủ, và cũng đã được chấp nhận, đó là:Mục tiêu đến 2020, Việt Nam trở thành 1 nước công nghiệp là hoàn toàn thất bại”.

“Chúng ta không chuyển giao được công nghệ, không phát triển được công nghiệp, mà nền công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng lao động rẻ và bán nguyên liệu thô. Đó không thể gọi là nền công nghiệp được”.

Trong khi đó, về công nghệ, các doanh nghiệp lại loay hoay quanh câu chuyện tín dụng. Các ngân hàng thương mại nằm trong tình trạng khủng hoảng thanh khoản, chỉ cho vay ngắn hạn và cùng lắm là 2-3 năm. Với kỳ hạn này, các doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu, phát triển công nghệ, chỉ loay hoay với các thủ tục đầu tư thì đồng thời cũng tới hạn nợ, TS. Nghĩa than thở.

Về công nghiệp phụ trợ, toàn bộ nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không phát triển được mặc dù huy động vốn đầu tư của nước ngoài đã gần 25 năm nay, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam tích tụ tư bản từ đâu? Từ chủ yếu tận dụng nguồn lao động rẻ, bán tài nguyên thô, và đặc biệt chạy các dự án từ chính quyền địa phương và thị trường bất động sản. Ít có doanh nghiệp nào tích tụ tư bản từ công nghệ như các quốc gia khởi nghiệp như Israel, Hàn Quốc, Phần Lan, Mỹ, Anh…” – ông Nghĩa so sánh.

Một trong những thành công trong công cuộc phát triển của Israel – đất nước với dân số chưa bằng 1/10 Việt Nam, nhưng thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 15 lần Việt Nam với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”, theo chia sẻ của GS Shlomo Maital – một học giả nổi tiếng người Israel, là nhờ sự can thiệp của Nhà nước.

“Nhà nước mở một quỹ đầu tư đầu tiên cho các công ty khởi nghiệp. Họ có thể vận hành công ty trong một thời gian, sau đó tiếp tục gây quỹ bằng cách kêu gọi quỹ đầu tư từ bên ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Như vậy, rủi ro của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước giảm đi 50%. Việc đó chúng tôi làm rất tốt. Thường các quỹ đầu tư rủi ro bên ngoài không thích rủi ro. Họ chỉ đầu tư vào các công ty đã hoạt động một thời gian” – ông Shlomo chia sẻ.

Khi Việt Nam có một nghị định mới về phát triển công nghệ và công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là Quỹ đầu tư rủi ro về phát triển công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lúc bấy giờ chúng ta mới có được công nghiệp phụ trợ và có được nền tảng công nghiệp dài hạn.

Theo Trí Thức Trẻ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *